Mổ tim không truyền máu
Đó không phải là một ca mổ quá khó tại Viện Tim TP.HCM, thay van tim cho một bệnh nhân hẹp van hai lá. Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời hành nghề của nhiều thành viên kíp mổ, họ đối mặt với một tình huống ngặt nghèo, bệnh nhân không nhận máu của bất kỳ ai, kể cả máu của mình!
Chuyện xảy ra cách đây hơn hai năm, nhưng ông Lê Hùng, 59 tuổi, vẫn nhớ rõ. Tại ngôi nhà xinh đẹp của ông ở huyện Nhà Bè – TP.HCM, ông tâm sự: “Nếu các bác sĩ Viện Tim từ chối, tôi chỉ còn cách ra nước ngoài chữa bệnh, như thế rất tốn kém. Nhưng không, họ đã giúp tôi hết lòng”.
14 năm tìm bác sĩ mổ tim
Ngồi trò chuyện với tôi tại một quán cà phê cạnh Viện Tim TP.HCM, ông Lê Hùng nhớ lại hành trình chữa bệnh tim nhiều năm của mình.
Ông nói: “Có lẽ tôi mắc bệnh tim từ lâu nhưng không biết. Năm 1998, đi bệnh viện khám bệnh vì ho, bác sĩ nói tôi mắc bệnh tim. Tôi không tin, nhưng kết quả siêu âm khẳng định tôi bị hẹp van hai lá và hở van ba lá”.
Những năm sau đó, ông Hùng vẫn đi làm bình thường, ông vẫn không nghĩ mình mắc bệnh tim. Nhưng chuyện gì đến cũng đến, những cơn mệt, khó thở, mất trí nhớ thoáng qua do bệnh tim lần lượt đến với ông. Thậm chí vào năm 2000 có lần ông nằm viện cả tuần.
“Bác sĩ nói tình trạng hẹp van hai lá nặng sẽ gây thiếu máu não và toàn thân, dẫn đến mệt mỏi, khó thở, ngất hoặc nặng nhất là phù phổi cấp, tình trạng như “chết đuối trên cạn”. Nhưng nguy hiểm nhất là sự hình thành những cục máu đông trong buồng nhĩ trái và tiểu nhĩ trái. Nếu chúng bị đẩy vào dòng máu và lên não sẽ gây liệt nửa người. Vì vậy, bác sĩ đề nghị tôi phẫu thuật thay van tim”
Nhận ra nguy cơ sức khỏe cho mình, nhiều năm sau đó, ông Hùng tìm đến các bệnh viện lớn, nhưng ở đâu bác sĩ cũng lắc đầu trước đề nghị kỳ lạ của ông: Mổ tim không truyền máu!
Lần đầu tiên tôi nghe chuyện này, nhưng ông Hùng giải thích: “Tôi thực hành tôn giáo Nhân chứng Giê-hô-va (Jehovah’s Witnesses) từ năm 1991. Theo Thánh Kinh, Đấng Tạo Hóa xem huyết là thiêng liêng, do đó tôi phải tôn trọng huyết, vì huyết tượng trưng cho sự sống và được dâng hiến cho Chúa Trời. Tôi không ăn huyết, không tiếp huyết, ngay cả trong trường hợp cấp cứu, vì tôi tôn trọng lệnh này đến từ Chúa Trời. Do đó, nếu phải giải phẫu, tôi mong bác sĩ tìm một phương pháp điều trị thích hợp và tôn trọng ý nguyện của tôi là không dùng huyết”.
Lách qua cửa hẹp
Sau khi bị nhiều bệnh viện từ chối, đầu năm 2014 ông Hùng tìm đến Viện Tim TP.HCM. Ở đây, ban giám đốc nói có thể mổ cho ông vì bệnh viện có một số bác sĩ mới tu nghiệp nước ngoài về và có trang thiết bị phục vụ cho việc mổ không tiếp máu.
Thực tế y khoa có một giải pháp gọi là tự truyền máu (auto transfusion) dành cho bệnh nhân không thể truyền máu, đó là người có nhóm máu hiếm hoặc phản ứng với truyền máu. Trước mổ vài tháng, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống thuốc để làm tăng huyết cầu tố. Rồi một tháng trước mổ, bệnh nhân được lấy ra một bịch máu, một tuần sau lấy thêm một bịch, lần lượt đủ số máu phục vụ cho ca mổ.
Nhưng ông Hùng không chấp nhận giải pháp này, dù đó là máu của mình, vì máu đó đã “phơi” ra ngoài. Để giải quyết tình huống chưa từng thấy như thế, bác sĩ thuyết phục ông chấp nhận giải pháp đặc biệt.
TS – BS Văn Hùng Dũng, phó Khoa Ngoại viện Tim TP.HCM, người mổ chính cho ông Hùng, giải thích: “Trong cuộc mổ bình thường, máu bệnh nhân dẫn vào một bồn chứa kín và được ô xy hóa trước khi đưa lại vào người bệnh nhân. Đó là phương pháp tuần hoàn ngoài cơ thể. Bình chứa có dung tích 4 lít, trường hợp máu bệnh nhân nhiều hơn số này, phần thừa được dự trữ trong bịch trước khi xử lý. Nhưng ông Hùng không chấp nhận máu bỏ trong bịch, vì thế chúng tôi phải cô đặc máu ở một mức độ chấp nhận trước khi bơm ngược trở lại”.
Tháng 4/2014, ca mổ tim cho ông Hùng được tiến hành. Nhóm bác sĩ vừa mổ vừa hồi hộp với nhiều áp lực, hạn chế để bệnh nhân chảy máu ở mức thấp nhất, cân bằng được lượng máu chảy ra và đưa vào, rồi vừa làm vừa dè chừng mọi tình huống để kịp thời xử lý vì không có cơ hội quay lại. Vì thế ca mổ kéo dài 5 giờ, nhiều hơn thường lệ.
Bác sĩ thay van tim hư bệnh nhân bằng một van tim sinh học để bệnh nhân không phải uống thuốc kháng đông suốt đời như trường hợp thay van tim cơ học. Đó là một giải pháp nhân văn vì khi uống thuốc kháng đông, nếu không may có vấn đề sức khỏe và cần phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ chảy máu, nhưng bệnh nhân lại không muốn truyền máu.
Hơn hai năm sau ca mổ, bác sĩ Dũng cười hạnh phúc ví von với tôi: “Chúng tôi đã lách qua một cánh cửa hẹp. Ca mổ thành công, không có biến chứng gì và ý nguyện của bệnh nhân được hoàn toàn tôn trọng”.
Ngoài “rắc rối” chuyên môn, ca mổ tim cho ông Lê Hùng còn đương đầu với vấn đề pháp lý và y đức. BS Dũng nói: “Tình huống xấu nhất, không ai muốn xảy ra, đó là ca mổ chảy máu quá nhiều, bác sĩ không thể để bệnh nhân tử vong mà không truyền máu. Nhưng nếu truyền máu, bác sĩ lại vi phạm ý nguyện của bệnh nhân. Vì thế Viện Tim phải báo cáo ca mổ lên Sở Y tế TP.HCM, khi được phê duyệt chúng tôi mới tiến hành”.
Một thành viên Nhân chứng Giê-hô-va tại TP.HCM cho biết, ở Hoa Kỳ – nơi hội đoàn này đông nhất – bệnh nhân Nhân chứng Giê-hô-va có vấn đề về sức khỏe cũng được cấp cứu nhưng không chịu truyền máu và chấp nhận rủi ro do mất máu.
Thành viên của Nhân chứng Giê-hô-va và ông Hùng cũng là nhân chứng cho tinh thần nhân văn của một đội ngủ thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân. Ông nói: “Trước khi mổ tôi leo cầu thang hai lầu rất mệt, nhưng từ khi mổ xong, thậm chí tôi leo cầu thang một lúc năm lầu mà không sao. Mỗi sáng tôi còn chơi cầu lông với vợ như người bình thường”.