Số 04 đường Dương Quang Trung, P12, Q10, TP.HCM
(028) 3865 1586
institutducoeur@vientimtphcm.vn

NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI 11/7

NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI 11/7

Chủ đề năm 2023: Giải phóng sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để mở ra những khả năng vô hạn của thế giới chúng ta.

Những gì phụ nữ và trẻ em gái muốn quan trọng

Mặc dù chiếm 49,7% dân số toàn cầu, nhưng phụ nữ và trẻ em gái thường bị bỏ qua trong các cuộc thảo luận về nhân khẩu học, và quyền của họ bị vi phạm trong các chính sách dân số.

Sự bất công có tính lan tỏa này khiến phụ nữ và trẻ em gái không được đi học, không được làm việc và không được giữ các vị trí lãnh đạo; bị hạn chế quyền tự quyết và khả năng đưa ra quyết định về sức khỏe cũng như đời sống tình dục và sinh sản của họ; và làm tăng khả năng dễ bị tổn thương của họ trước bạo lực, các hành vi có hại và tử vong thai phụ mà có thể phòng tránh được, cứ hai phút lại có một phụ nữ chết do mang thai hoặc sinh con.

Chúng ta phải thúc đẩy bình đẳng giới để tạo ra một thế giới công bằng hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn. Sự sáng tạo, sự khéo léo, nguồn lực và sức mạnh của phụ nữ và trẻ em gái là nền tảng để giải quyết các thách thức về nhân khẩu học và các thách thức khác đe dọa tương lai của chúng ta, trong đó bao gồm biến đổi khí hậu và sự xung đột.

Một khi phụ nữ và trẻ em gái được xã hội trao quyền để thực hiện quyền tự chủ đối với cuộc sống và cơ thể của mình, họ và gia đình của họ sẽ phát triển, theo như trong báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2023 của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) đã minh họa.

UNFPA sử dụng dữ liệu, kinh nghiệm và câu chuyện của mình để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, và Ngày Dân số Thế giới mang đến cho chúng ta cơ hội nêu bật nhu cầu thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới để giúp hiện thực hóa ước mơ của tất cả 8 tỷ người trên hành tinh của chúng ta.

Xu hướng dân số thế giới

Phải mất hàng trăm nghìn năm để dân số thế giới tăng lên 1 tỷ người – sau đó chỉ trong khoảng 200 năm tiếp theo, dân số thế giới đã tăng gấp 7 lần. Năm 2011, dân số toàn cầu đạt mốc 7 tỷ, đạt gần 7,9 tỷ vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 8,5 tỷ vào năm 2030, 9,7 tỷ vào năm 2050 và sẽ là 10,9 tỷ vào năm 2100.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ này phần lớn được thúc đẩy bởi số lượng người sống đến tuổi sinh sản ngày càng tăng, đồng thời đi kèm với những thay đổi lớn về tỷ lệ sinh, việc tăng tốc độ đô thị hóa và tăng tốc di cư. Những xu hướng này sẽ có ý nghĩa sâu rộng cho các thế hệ mai sau.

Thế giới gần đây đã chứng kiến những thay đổi to lớn về tỷ suất sinh và tuổi thọ. Vào đầu những năm 1970, trung bình mỗi phụ nữ có 4,5 con; đến năm 2015, tổng mức sinh của thế giới đã giảm xuống dưới 2,5 con/phụ nữ. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng lên, từ 64,6 tuổi vào đầu những năm 1990 lên 72,6 tuổi vào năm 2019.

Ngoài ra, thế giới đang chứng kiến mức độ đô thị hóa cao và tốc độ di cư tăng nhanh. Năm 2007 là năm đầu tiên có nhiều người sống ở khu vực thành thị hơn ở khu vực nông thôn và đến năm 2050, khoảng 66% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố.

Những xu hướng lớn này có ý nghĩa sâu rộng. Chúng ảnh hưởng đến sự phát triển nền kinh tế, việc làm, phân phối thu nhập, nghèo đói và bảo trợ xã hội. Chúng cũng ảnh hưởng đến những nỗ lực đảm bảo tiếp cận toàn cầu tới việc chăm sóc y tế, giáo dục, nhà ở, vệ sinh, nguồn nước, thực phẩm và năng lượng. Để giải quyết nhu cầu của các cá nhân một cách bền vững hơn, những nhà hoạch định chính sách phải biết được có bao nhiêu người đang sống trên hành tinh, họ đang ở đâu, bao nhiêu tuổi và bao nhiêu người sẽ theo sau họ.

Nguồn: https://www.un.org/en/observances/world-population-day

P.CTXH