9 QUAN NIỆM SAI LẦM BỆNH NHÂN SUY TIM THƯỜNG MẮC PHẢI
Người còn trẻ thì không mắc bệnh suy tim, khó thở thì không phải do suy tim, nhiều người trong nhà bị suy tim thì do di truyền, tự ý ngưng thuốc khi thấy triệu chứng suy tim giảm vì sợ rằng uống nhiều sẽ ảnh hưởng đến gan, thận… là những quan niệm sai lầm phổ biến ở những bệnh nhân suy tim. Vậy phải hiểu thế nào cho đúng?
- Suy tim chỉ ảnh hưởng đến người cao tuổi.
SAI. Thống kê cho thấy suy tim chủ yếu ảnh hưởng đến những người trên 70 tuổi, với tỷ lệ gấp ba đến sáu lần so với người dưới 70 tuổi (He J, Whelton PK. Epidemiology and prevention of hypertension. Med Clin North Am. 1997). Tuy nhiên, trẻ tuổi không đảm bảo rằng sẽ miễn nhiễm với suy tim. Những đối tượng trẻ tuổi có nguy cơ suy tim bao gồm những người có bất thường cấu trúc của cơ tim bao gồm bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh mạch vành hoặc biến chứng từ một số bệnh như tiểu đường, huyết áp cao và cường giáp hoặc các nguyên nhân khác như nhiễm virus, sử dụng chất kích thích như thuốc lá và rượu. Do đó những người có nguy cơ suy tim cần nên kiểm tra sức khỏe tim mạch thường xuyên.
- Suy tim là bệnh của nam giới.
SAI. Hormone do cơ thể phụ nữ tiết ra – estrogen và progesterone – có vai trò bảo vệ chống lại bệnh xơ vữa động mạch, điều này giải thích tại sao suy tim khởi phát muộn hơn ở phụ nữ. Tuy nhiên, hiệu ứng bảo vệ này biến mất sau mãn kinh, khi nồng độ hormone giảm mạnh, dẫn đến một sự thiếu hụt hormone mà theo các nghiên cứu, cho dù có sử dụng các biện pháp trị liệu hormone cũng không thể khôi phục, thậm chí còn làm nặng thêm (Dubey RK, Imthurn B, Zacharia LC, Jackson EK. Hormone replacement therapy and cardiovascular disease: what went wrong and where do we go from here? Hypertension. 2004 Dec;44(6):789-95.). Hơn nữa, những thói quen xấu mà phụ nữ hiện nay hay mắc phải như hút thuốc lá, chế độ ăn không lành mạnh, ít vận động hoặc không tuân thủ điều trị tăng huyết áp, tăng cholesterol máu có xu hướng làm giảm sự khác biệt giữa hai giới.
- Chỉ nên lo lắng nếu có tiền sử di truyền suy tim.
SAI. Suy tim không phải lúc nào cũng là một bệnh di truyền. Tuy rằng suy tim có thể xuất hiện thường xuyên ở nhiều người cùng 1 gia đình. Và có bằng chứng cho thấy, tiền sử gia đình bệnh tim mạch làm tăng gấp 2,72 khả năng phát triển bệnh. Đặc biệt vì một số dị dạng hoặc bất thường về tim có thể mang tính bẩm sinh và làm tăng khả năng xuất hiện bệnh trong các thế hệ tiếp theo, ví dụ như bệnh cơ tim giãn nở. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu Framingham nổi tiếng được thực hiện liên tục từ năm 1948, cho thấy các yếu tố “môi trường” cũng ảnh hưởng rất lớn. Cách chúng ta duy trì thói quen nấu ăn, chú trọng (hoặc không) dinh dưỡng bữa ăn và tập thể dục (hoặc không) từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sức khỏe của chúng ta.
- Khó thở chỉ báo hiệu bệnh phổi, không phải tim.
SAI. Mặc dù khó thở có thể là dấu hiệu có vấn đề ở phổi, nhưng đây cũng là một trong những triệu chứng chính nghi ngờ suy tim. Ban đầu, triệu chứng xuất hiện khi gắng sức nhiều. Sau đó, khi bệnh tiến triển, khó thở xảy ra ngay cả với những vận động rất nhẹ. Cuối cùng chức năng hoạt động của người bệnh bị sụt giảm nghiêm trọng, khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi. Do đó, cần chú ý đến dấu hiệu khó thở. Các triệu chứng khác cũng là dấu hiệu cảnh báo suy tim bao gồm: ho khan kéo dài từng cơn, mệt mỏi toàn thân và tăng cân nhanh chóng (vài ký mỗi tuần) kèm theo phù nề ở chân. Khi không nhận đủ máu, cơ quan sẽ kích hoạt một cơ chế thần kinh-thể dịch cho phép giữ nước và muối để tiếp tục hoạt động. Chính vì vậy, triệu chứng phù nề đặc trưng này xảy ra ở hầu hết bệnh nhân suy tim.
- Thuốc tây uống lâu bị suy gan, suy thận
SAI. Thuốc tây cần thiết trong điều trị suy tim, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ. Bốn loại thuốc quan trọng trong điều trị suy tim bao gồm thuốc ức chế hệ RAS, chẹn thụ thể beta, ức chế SGLT2 và kháng Aldosteron đã được chứng minh là hiệu quả trong việc giảm triệu chứng và nguy cơ tử vong. Ngoài ra, thuốc lợi tiểu cũng giúp giảm triệu chứng phù nề, làm giảm áp lực lên tim. Nếu được sử dụng đúng theo chỉ định và dưới sự theo dõi của bác sĩ, việc điều trị bằng thuốc tây mang lại lợi ích vượt trội so với rủi ro. Hầu hết các nghiên cứu lâm sàng đều cho thấy lợi ích của thuốc tây lớn hơn so với tác dụng phụ tiềm tàng, và nguy cơ thuốc ảnh hưởng lên chức năng gan thận rất thấp. Bên cạnh đó, việc khám suy tim định kỳ giúp bác sĩ phát hiện các bất thường và điều chỉnh liều lượng thuốc kịp thời. Nhờ vậy, thuốc có thể phát huy tối đa tác dụng trong khi gây ít tác dụng phụ và ảnh hưởng lên chức năng gan thận ít nhất có thể. Điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Vậy nên, quan niệm uống thuốc tây gây suy gan, thận là một quan niệm sai lầm, và thuốc tây không chỉ cần thiết mà còn có thể an toàn cho bệnh nhân suy tim khi được sử dụng đúng cách theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Suy tim có thể chữa khỏi không?
Đại đa số các trường hợp suy tim KHÔNG THỂ CHỮA KHỎI HOÀN TOÀN, nhưng việc điều trị đúng có thể giúp kiểm soát bệnh và cải thiện triệu chứng tốt. Điều trị bao gồm thuốc, thay đổi lối sống và các biện pháp can thiệp, phẫu thuật nếu cần. Các thuốc điều trị suy tim giúp cải thiện chức năng hoạt động và giảm tần suất phải nhập viện. Thay đổi lối sống, như ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn, cũng rất quan trọng trong việc quản lý suy tim. Đối với một số bệnh nhân suy tim nặng, các thủ thuật như cấy ghép máy tạo nhịp hoặc ghép tim sẽ được bác sĩ tư vấn khi có chỉ định. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp làm chậm tiến triển của suy tim. Hầu hết bệnh nhân có thể sống khỏe mạnh với điều trị thích hợp. Suy tim có thể dẫn đến nhiều biến chứng nếu không được quản lý, nhưng điều trị hiệu quả giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc tuân thủ điều trị và theo dõi định kỳ là rất quan trọng.
Tóm lại, suy tim là một tình trạng bệnh lý mãn tính cần điều trị lâu dài, nhưng nếu được quản lý và điều trị tốt, người bệnh có thể có một cuộc sống gần như bình thường.
- Ngưng thuốc nếu suy tim ổn được không?
KHÔNG NÊN. Thực tế, nhiều bệnh nhân có xu hướng tự ý ngừng thuốc khi cảm thấy triệu chứng giảm mà không thông qua ý kiến bác sỹ, điều này là không nên. Thực tế, suy tim là một bệnh mãn tính, cần điều trị và quản lý lâu dài để ngăn ngừa tái phát. Ngừng thuốc có thể dẫn đến tình trạng suy tim nặng hơn, làm nặng thêm bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Việc theo dõi định kỳ và tuân thủ chỉ định của bác sĩ rất quan trọng trong điều trị suy tim. Quan trọng hơn hết, bệnh nhân nên thảo luận về bất kỳ ý định ngừng thuốc nào với bác sĩ. Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe và điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp và tư vấn kế hoạch điều trị lâu dài. Dựa vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể cần thêm hoặc giảm một số loại thuốc để phù hợp diễn tiến bệnh hoặc các tình huống đặc biệt, ví dụ trước khi phẫu thuật, can thiệp y khoa ngoài tim, … .
Do đó, triệu chứng ổn định không phải là một lý do ngưng thuốc suy tim hợp lý, và mọi thay đổi trong điều trị đều nên được bàn bạc và thống nhất với bác sĩ tim mạch đang điều trị cho bệnh nhân.
- Thuốc nam/thuốc bắc có hiệu quả trong điều trị suy tim không?
Cả thuốc nam và thuốc bắc đều có những lợi ích riêng, nhưng cả hai đều không có vai trò trong điều trị suy tim và có thể không an toàn nếu không rõ nguồn gốc. Nhiều loại thuốc nam có nguồn gốc tự nhiên nhưng vẫn có thể gây tác dụng phụ nếu không được sử dụng đúng cách. Tương tự, thuốc bắc thường chứa các thành phần giảm đau hoặc kháng viêm có thể không an toàn và gây ra các biến chứng nguy hiểm lên tình trạng suy tim nếu không được kê toa chính xác. Việc tự ý sử dụng thuốc nam hay thuốc bắc mà không có sự giám sát của bác sĩ có thể dẫn đến nhiều rủi ro. Cả hai loại thuốc đều cần được bào chế và kiểm soát chất lượng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Do đó, người bệnh nên luôn tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Nên có sự tư vấn từ chuyên gia y tế để giúp xác định phương pháp điều trị phù hợp và an toàn. Việc tự ý sử dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như suy thượng thận, hạ đường huyết, rối loạn nội tiết,….
Hiện tại, cả thuốc nam và thuốc bắc đều chưa được chứng minh hiệu quả trong điều trị suy tim, và việc sử dụng thuốc đông dược để điều trị các bệnh kèm theo nên được sự đồng ý từ cả bác sĩ y học cổ truyền lẫn bác sĩ suy tim để tránh gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
- Bệnh nhân suy tim nào cũng điều trị giống nhau?
SAI. Không phải tất cả các tình trạng suy tim đều giống nhau, vì suy tim là sự suy giảm về mặt chức năng hoặc cấu trúc của tim với các nguyên nhân và triệu chứng khác nhau. Suy tim có thể được phân thành nhiều thể như suy tim tâm thu, suy tim tâm trương hoặc suy tim hỗn hợp, mỗi loại có cơ chế bệnh lý riêng. Nguyên nhân gây suy tim cũng rất đa dạng, từ bệnh mạch vành, tăng huyết áp đến bệnh van tim hoặc các bệnh tim bẩm sinh hoặc di truyền. Mỗi bệnh nhân sẽ có tình trạng và mức độ nặng nhẹ khác nhau, do đó cần phải được thăm khám kỹ lưỡng. Bác sĩ sẽ dựa vào các xét nghiệm và triệu chứng để chẩn đoán loại suy tim cụ thể và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Việc tự chẩn đoán hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, mỗi bệnh nhân còn có các yếu tố sức khỏe khác nhau ảnh hưởng đến phương pháp điều trị. Do đó, thăm khám và tư vấn từ bác sĩ chuyên môn là rất cần thiết. Sự chăm sóc cá nhân hóa giúp nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Vậy nên, bệnh nhân suy tim cần nhận thức rõ rằng tình trạng của họ là riêng biệt và cần tìm tới các trung tâm y tế đáng tin cậy để được chẩn đoán và điều trị một cách chuyên biệt nhất.
Khoa Phục hồi chức năng – Đơn vị Suy tim