Nơi những trái tim nhân hậu gặp nhau
Nhu cầu phẫu thuật tim
Cùng với cả nước, TP.HCM cuối những năm 1980 bắt đầu biết đến những thành tựu đầu tiên của công cuộc đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, một trong những trăn trở đặt ra cho lãnh đạo TP và ngành y tế lúc đó là số người mắc bệnh tim, đặc biệt là trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, cần được phẫu thuật lại quá nhiều trong khi chưa có một cơ sở y tế chuyên sâu nào đủ sức giải quyết được.
Trong y khoa, mổ tim là một trong những giải pháp điều trị căn cơ và có tính cấp bách, bởi điều trị bằng thuốc chỉ tạm thời, không thể loại bỏ được những tổn thương thực thể trong tim. Nếu không được phẫu thuật tim, đặc biệt là phẫu thuật tim với máy tim phổi nhân tạo, người bệnh khó sống được, trừ khi mổ ở nước ngoài, mà điều này thật hiếm hoi vào thời điểm đó.
TS – BS Đỗ Quang Huân – giám đốc Viện Tim TP.HCM, nhớ lại: “Khi đó chưa có bệnh viện Việt Nam nào mổ được tim hở nên có khá nhiều bệnh nhân tử vong vì bệnh tim nặng”.
Trăn trở điều này, cuối những năm 1980, cố giáo sư – viện sĩ Dương Quang Trung, nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đích thân sáng Pháp gặp giáo sư Alain Carpentier (chủ tịch Hiệp hội Alain Carpentier – Cộng hòa Pháp) nhờ giúp Việt Nam xây dựng một cơ sở mổ tim hở.
BS Dương Quang Trung, đồng sáng lập Viện Tim TP.HCM cùng GS Alain Carpentier
Là một người có tấm lòng nhân hậu, nhà phẫu thuật tim lừng danh thế giới, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp, trưởng khoa phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Broussais (Paris – Pháp), thấy hiểu nhu cầu của một đất nước còn đầy rẫy khó khăn và mới thoát khỏi chiến tranh, thế nhưng ông lại cần xác định một số cơ sở trước khi giúp đở.
Ba lần thuyết phục GS Alain Carpentier, ba lần GS Dương Quang Trung đều nhận được cái lắc đầu từ chối với những câu hỏi đặt ra: “Việt Nam có tiếp nhận được một cơ sở y khoa kỹ thuật cao không?”, “Bác sĩ Việt Nam có đủ khả năng chuyên môn để vận hành cơ sở được không?”, và “Người bệnh Việt Nam có đủ chi phí trang trải cho một ca mổ tim hở không?”
Chạm đến trái tim
Không nãn lòng, GS Dương Quang Trung kiên trì tác động GS Alain Carpentier qua người phụ tá của ông, GS Alain Deloche. Rồi ông mời GS Alain Carpentier sang Việt Nam để tìm hiểu thực tế.
Trong một lần tham quan bệnh viện Nhi Đồng II, ngẫu nhiên vị giáo sư người Pháp chứng kiến một bé gái 12 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh vừa qua đời, xác còn ấm. Cái chết đau đớn của bệnh nhi đã lay động ông, ông siết tay GS Dương Quang Trung với lời hứa: “Chúng ta cần hành động!”.
Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang và GS Alain Carpentier (hàng đầu tiên) tại lễ khánh thành khu kỹ thuật Viện Tim TP.HCM ngày 23/8/2015
Từ cam kết này, GS Alain Carpentier, GS Dương Quang Trung, GS Alain Deloche và BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhất trí hình thành dự án thành lập Viện Tim, đó là một viện phẫu thuật tim tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim hiện đại từ Bệnh viện Broussais (Paris – Pháp), với một cơ chế quản lý thích hợp, vừa đảm bảo tính kỹ thuật hiện đại, tồn tại và phát triển mà không làm nặng ngân sách thành phố, lại vừa mang tính nhân đạo, làm sao cho những người nghèo cũng được mổ tim dù không có hay có rất ít khả năng đóng góp.
Tìm kiếm một cơ chế quản lý mới để đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trên thật sự là một thử thách lớn trong bối cảnh lúc đó. Ngày 12/7/1991, Sở Y Tế TP.HCM và Hiệp Hội Alain Carpentier chính thức ký kết một biên bản hợp tác với sự chuẩn thuận của UBND TP.HCM, Bộ Y Tế đại diện cho Nhà Nước Việt Nam và Đại sứ Pháp tại Việt Nam.
Viện Tim được xác định là một đơn vị sự nghiệp y tế của Sở Y Tế TP.HCM, tiếp nhận viện trợ kỹ thuật nhân đạo đặc biệt, hoạt động theo qui chế tự quản, tự cân đối thu chi không nhằm mục đích lợi nhuận, tiếp nhận những bệnh nhân có khả năng đóng góp và giúp đỡ cho những bệnh nhân nghèo. (Quyết định thành lập Viện Tim của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, số 681/QĐ-UB ngày 30.11.1991).
Trước đó, vào cuối tháng 4/1990, Viện Tim được khởi công xây dựng và hoàn thành sau 18 tháng với sự giám sát của các kiến trúc sư Roger Sultana và Sơn Hồng Võ. Chi phí xây dựng tương đương 1 triệu USD do Sở Y Tế TP.HCM tài trợ, trong khi Hiệp Hội Alain Carpentier tài trợ hơn 3 triệu USD cho trang bị kỹ thuật và đào tạo đội ngũ phẫu thuật tim tại Pháp trong hai năm.
Nhờ sự ra đời của Viện Tim TP.HCM mà nhiều trẻ em nghèo, sống ở vùng sâu, vùng xa được chữa khỏi bệnh tim bẩm sinh