NGÀY ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM 26/10/2023
Điều dưỡng là một nghề cao cả với nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe của con người. Trên thế giới, ngày 12/5 được biết đến là ngày Quốc tế Điều dưỡng. Còn ở Việt Nam, 26/10 chính là ngày ý nghĩa để tôn vinh những Điều dưỡng viên tận tụy, ân cần, không quản ngày đêm chăm sóc cho bệnh nhân.
Lịch sử ra đời ngày Điều dưỡng Việt Nam (26/10)
Không giống như sự phát triển của ngành Điều dưỡng ở các nước Châu Âu. Ở Việt Nam từ xa xưa vốn không có ngành Điều dưỡng. Từ thời phong kiến chỉ xuất hiện các thầy lang tự mình kê thuốc cho người bệnh.
Đến khi Thực dân Pháp đổ bộ vào Việt Nam thì những bệnh viện manh nha bắt đầu được xây dựng. Các Bác sĩ bắt đầu được đào tạo, có người được đào tạo trong nước, lại có người theo Pháp được đi học ở nước ngoài. Và nghề Điều dưỡng cũng bắt đầu “du nhập” vào Việt Nam với tên gọi là Y tá. Trong chiến tranh, số lượng bệnh nhân phần lớn các thương bệnh binh ngày càng nhiều. Các Bác sĩ không thể tự mình lo hết, họ cần những người phụ tá biết sử dụng những kỹ thuật, vật tư y tế cơ bản để trợ giúp mình. Và thế là những lớp đào tạo miễn phí các Y tá dưới hình thức sơ khai bắt đầu được mở ra. Các lớp học Y tá được mở trong các bệnh viện với những tiết học khá chóng vánh và không bài bản. Phần lớn, các Y tá khi đó được thực hành về mặt kỹ thuật sơ cứu y tế là chủ yếu.
Trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nghề Y tá ở Việt Nam vẫn chưa được coi trọng. Khi Thực dân Pháp quay trở lại năm 1946, tiến hành cuộc xâm lấn thuộc địa lần thứ 2, các Y tá lúc bấy giờ đứng trước nhiệm vụ mang tính chất dân tộc. Lúc này vai trò của những Y tá trở lên quan trọng hơn bao giờ hết. Họ có nhiệm vụ chính là ra mặt trận chăm sóc những thương bệnh binh, bắt đầu lên các phương án chăm lo cho các chiến sĩ trên mặt trận. Kể từ khi chiến tranh kết thúc, đất nước ta hoàn toàn giải phóng, nghề Điều dưỡng được Đảng và Nhà nước quan tâm và đặc biệt coi trọng. Năm 1982, Nhà nước đã cho phép Bộ Y tế ban hành chức danh Y tá trưởng bệnh viện và Y tá trưởng khoa.
Năm 1986, trong bối cảnh tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội thay đổi toàn diện. Bộ Y tế bắt đầu xác định thành lập những trường đào tạo ngành Y trọng điểm.
Các chương trình đào tạo Y tá ngày càng được nâng cao và hoàn thiện. Lúc này, người Y tá không chỉ giữ nhiệm vụ thực hiện một cách thụ động các y lệnh của Bác sĩ mà họ còn nắm giữ vai trò chủ chốt trong việc chăm sóc và phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Vì vậy năm 1990, Bộ Y tế đã quyết định đổi tên từ “Y tá” thành “Điều dưỡng”. Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chính thức được xây dựng, trở thành 2 trường có chuyên khoa đào tạo Điều dưỡng đầu tiên ở Việt Nam. Đến ngày 26/10/1990, Hội Điều dưỡng Việt Nam chính thức được thành lập. Kể từ đó ngày 26 tháng 10 hằng năm được quy định là ngày Điều dưỡng của Việt Nam. Như vậy, ngày Điều dưỡng Việt Nam gắn với sự ra đời của Hội Điều dưỡng Việt Nam. Xác định kim chỉ nam duy nhất là đào tạo nên những Điều dưỡng viên chất lượng, phấn đấu vì sức khỏe của cộng đồng.
P.ĐIỀU DƯỠNG